Đá quý Lục Yên - Yên Bái

Đăng bởi Hoàng Thị Thuy Nhuần vào lúc 22/09/2020

Đá quý Lục Yên

Huyện Lục Yên thuộc tỉnh Yên Bái, nằm cách Hà Nội 270 km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội có thể đi bằng tàu hỏa hoặc ô tô theo quốc lộ số 6 lên Yên Bái. Sau đó từ thành phố Yên Bái đi tiếp 70km theo quốc lộ 70 sẽ đến thị trấn Yên Thế là trung tâm huyện Lục Yên.

Lục Yên có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên như: Than nâu ở Hồng Quang có trữ lượng 16.000 tấn; đá hoa cương ở Tân Lĩnh, Liễu Đô có trữ lượng khoảng 250 triệu m3; đá vôi có cường độ 300 - 500 kg/cm2, có hàm lượng CaO cao, trữ lượng khoảng 135 triệu m3; đá quý (ruby và sapphire) và bán quý phân bố trên diện tích 113 km2. Ngoài ra, Lục Yên còn có nguồn tài nguyên đá xây dựng, sỏi, cát… rất phong phú.

Được thiên nhiên ban tặng cho loại đá quý có độ tinh khiết rất cao, Lục Yên nổi tiếng với

một phiên chợ độc nhất cả nước, bán mặt hàng đá quý và đã có lịch sử lâu năm. Từ xa xưa, Lục Yên được mệnh danh là "vùng đất ngọc", ngủ trên đá quý.

Trẻ em đi chơi dễ dàng nhặt được những viên đá đủ màu sắc nhưng không hề biết giá trị của những viên đá này. Tới những năm 80 thế kỷ trước, chính quyền tổ chức khai thác địa chất mới phát hiện nơi đây có nhiều loại đá quý, chất lượng thuộc hàng quý nhất thế giới. Những viên đá có giá trị nhất Việt Nam đều được khai thác từ đây. Từ đó Lục Yên trở thành thủ phủ của đá quý. Người dân tứ phương đổ xô về đây khai thác. Chợ phiên bán mặt hàng đặc biệt này cũng hình thành. Vùng đất miền núi đã trở mình thành vùng đất ngọc. Đá quý và bán quý được bày lên mặt bàn thành từng mớ. Có dòng đá đã qua chế tác, có khối còn để thô nguyên gốc. Nhưng dù ở dạng nào, những thứ hàng được bán ở chợ này đều khoe sắc lung linh.

Lục Yên tự hào có viên ruby đỏ được giữ làm bảo vật quốc gia, tên 'Ngôi sao Việt Nam'. Đó là viên đá ruby lớn nhất, có trọng lượng 2.160 gram tương đương 10.800 cara. Ngoài ra rất nhiều viên đá quý có giá trị khác được khai thác từ đây.

Đây là nơi duy nhất trong cả nước có nghề làm tranh đá quý.

Ruby (Hồng ngọc) là một trong 4 loại đá quý nhất của thế giới đá, cùng với Kim cương, Sapphire và Emerald (Ngọc lục bảo).

Người mẹ – Đá Corundum sinh được 2 người con, đều rất đẹp đẽ, đó chính là Ruby và Sapphire. 2 loại ngọc này thực ra là 1, chỉ khác nhau về màu sắc. Corundum có màu thuộc sắc đỏ gọi là Ruby, các màu còn lại gọi là Sapphire. Ruby được ưa chuộng vì hội đủ những yếu tố làm nên một viên đá quý: Màu sắc đẹp, độ cứng cao, hiếm, bền, hiệu ứng quang học đặc biệt, hơn nữa màu đỏ lại là màu của may mắn, thành công trong kinh doanh.

 

CÁCH PHÂN BIỆT RUBY THẬT GIẢ?

Đối với Ruby xử lý nhiệt: Không có cách nào cho mắt thường phân biệt. Cần đưa tới phòng giám định, soi kính hiển vi, nhận biết nhờ 1 số tạp chất đặc trưng bị biến mất do quá trình đốt. Tuy nhiên việc phân biệt này cũng không quan trọng lắm, vì xử lý nhiệt rất bền, ít ảnh hưởng giá trị đá.

Đá giả Ruby: Một số loại đá có màu sắc rất giống, thường bị nhầm với Ruby. VD như Garnet, Tourmaline đỏ, Spinel …

Đây cũng là những loại đá tự nhiên khá quý hiếm, giá trị cao.

Với Ruby phủ thủy tinh: Đây là kiểu xử lý rất phổ biến vì giá thành rẻ. Ruby phủ thủy tinh có thể dễ dàng nhận biết bằng mắt thường. Lấy đèn pin điện thoại soi, nếu bên trong có bong bóng, các vết rạn không rõ nét, đá trong mờ thì khả năng cao là Ruby đã phủ thủy tinh.

Cần lưu ý là Ruby phủ thủy tinh có giá rất rẻ so với Ruby sống và Ruby đốt có cùng chất lượng.

Ruby nhuộm ở Việt Nam không phổ biến lắm. Loại này chủ yếu có ở Ấn Độ. Màu nhuộm trông rất tươi, giống màu đỏ cờ. Những khe nứt thường có màu đậm hơn những chỗ khác, do có màu nhuộm len vào.

Khi lấy Axeton (thuốc tẩy sơn móng tay) quệt qua sẽ thấy màu nhuộm dính ra tay.

Ruby nhân tạo/giả: Hàng này trong vắt, đỏ đậm đẹp, không tỳ vết, nhìn cái là biết liền. Ruby tự nhiên nhìn chung không bao giờ đạt được chất lượng đó. Mà nếu có thì chắc cũng không ai đủ tiền mua.

KẾT LUẬN QUAN TRỌNG

Ruby là 1 trong 4 loại đá quý hiếm nhất. Ruby đẹp và xịn thì chắc chắn đắt. Còn nếu đẹp và rẻ thì coi chừng, rất dễ là hàng đã qua xử lý.

Ruby tự nhiên thì phải có vết, vết càng rõ thì càng có khả năng là Ruby xịn, còn vết mờ, có bong bóng là Ruby xử lý phủ thủy tinh giá rẻ.

 

ĐÔI ĐIỀU VỀ SAPHIRE

LAM NGỌC, tên tiếng anh là SAPPHIRE. Có độ cứng chỉ sau kim cương (9 theo thang Mohs).

Nguyên tố cấu tạo bao gồm Fe, Ti.

Sapphire là tất cả các dạng đá quý thuộc nhóm khoáng chất corundum ngoại trừ Ruby. Do nguyên tố Fe, Ti mà có màu xanh đặc trưng.

Tại Châu âu cổ, khi kim cương còn chưa thịnh hành, Ruby và Sapphire đều được dùng làm vật đính hôn của gia đình quý tộc với ý nghĩa đem lại tình yêu trường cửu.

Cũng như ruby, sapphire có thể tích tụ và giải phóng năng lượng theo 1 hướng cố định, nên giúp bạn nhìn nhận vấn đề 1 cách điềm tĩnh hơn, tỉnh táo hơn để tránh đưa ra quyết định sai lầm.

AI NÊN DÙNG SAPPHIRE?

Có rất nhiều lý do để chúng ta sử dụng sapphire, nhưng nó lại quá ít để đủ cho tất cả.

  • Có kế hoạch đi xa
  • Chuẩn bị chuyển nơi sống, chuyển việc
  • Muốn có linh cảm, biểu đạt tốt hơn
  • Muốn tập trung tốt vào mục tiêu
  • Muốn giải trừ năng lượng xấu

 

CÁCH BẢO QUẢN ĐÚNG

Xông tinh dầu, rửa muối loãng

Không nên ngâm muối hay phơi nắng

 

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM NGỌC HỌC CỦA SPINEL

Trong quá trình khai thác ruby và saphir thì phát hiện được một lượng lớn spinel đi kèm trong sa khoáng, chúng bao gồm các tinh thể được mài tròn một phần hoặc dạng mảnh vỡ với nhiều màu sắc khác nhau: đỏ, hồng, đỏ phớt nâu, phớt tím và có độ trong suốt cao thích hợp cho việc sản xuất hàng trang sức. Sau đó, một loạt các điểm mỏ vùng An Phú cho nhiều spinel có màu sắc khác nhau: màu lam được khai thác nhiều ở Cổ Ngạn, các màu đỏ, hồng, tím gặp nhiều ở các khu vực Hin Om, Khau Nghiền, Vàng Sáo, Nước Ngập, Ngòi Lạnh, Cổng Trời. Những năm gần đây spinel màu xanh da trời được khai thác nhiều ở Lũng Thin, Bãi Sơn.

Thành phần hóa học

Các nguyên tố tạp chất chủ yếu là V, Ni, Zn, Ti, Cr, Fe, Co, một số nguyên tố khác gặp ít hơn như Mn và Ca.

    Spinel màu đỏ có hàm lượng Cr2O3 cao nhất (khoảng 0,968-1,088%). Hàm lượng Cr2O3 giảm đi ở các tông màu đỏ nhạt hơn cho đến màu hồng (0,240-0,360%), loại spinel màu nâu tới hồng nhạt thì hàm lượng Cr2O3 thấp (0,122-0,153%). Spinel ở các màu khác như tím, da cam và màu xanh lam thường có hàm lượng Cr2O3 thấp, chỉ dao động trong khoảng 0,012-0,056%.

Hàm lượng FeO thường cao nhất trong loại spinel có tông màu nâu (đỏ phớt nâu hoặc da cam phớt nâu) và ở loại spinel có tông màu tím. FeO là căn nguyên tạo màu tím của spinel và đồng thời tạo nên các sắc phớt nâu của spinel màu đỏ, màu hồng và màu da cam.

Ở loại spinel màu lam, thường quan sát thấy sự tăng cao của hàm lượng CoO so với các tông màu khác. Hàm lượng CoO trong loại spinel màu lam đậm nhiều khi lên đến 0.08%, màu hồng là 0,006-0,015%, màu nâu phớt hồng là 0,002-0,018, điều này cho thấy CoO là nguyên nhân tạo màu lam cho spinel.

Trong sa khoáng, các tinh thể spinel thường có kích thước từ 2-5mm, đến 1-2cm. Thỉnh thoảng ta có thể gặp tinh thể spinel có trọng lượng lên đến 3-5kg, thậm chí hàng chục kilogam, kích thước tinh thể nhiều khi đến 15-20cm. Bên cạnh các tinh thể dạng tự hình thì phần nhiều trong sa khoáng ta gặp spinel dạng mảnh vỡ có trọng lượng 1-2 có khi lên đến hàng trăm carat.

Spinel phân bố rộng rãi tại vùng mỏ Lục Yên, Yên Bái. Về chất lượng, chỉ loại spinel được khai thác trong sa khoáng là có độ trong suốt cao hơn và có giá trị làm hàng trang sức. Loại spinel trong đá gốc thường có chất lượng ngọc kém hơn và thích hợp làm mẫu sưu tập.

Spinel vùng Lục Yên rất đa dạng về màu sắc, trong đó có thể gặp ở tất cả các tông màu khác nhau đỏ, nâu đỏ, hồng, tím, xanh lam, xanh da trời, đen... Màu sắc của spinel Lục Yên được quyết định bởi hàm lượng các nguyên tố tạp chất gây màu. Loại màu đỏ có hàm lượng Cr2O3 chiếm ưu thế, loại màu nâu đỏ và màu tím khi có mặt đồng thời cả Cr2O3 và FeO. Khi hàm lượng Cr2O3 giảm xuống thì spinel có màu hồng. Nguyên tố cobalt (CoO) quyết định việc tạo thành spinel màu xanh lam và xanh da trời.